- 2,9 tỉ lít là sản lượng bia ở VN năm 2013, người Việt đã được xếp vào hàng cường quốc uống bia trên thế giới. Vì sao người Việt nhậu nhẹt nhiều như vậy?
Uống bia bằng tô bát lớn!
*Ông Nguyễn Văn Thiên (giám đốc Công ty TL, TP.HCM):
Hại chắc chút chút nhưng lợi cũng nhiều
Thật sự tôi chưa bao giờ nghĩ mình nhậu nhiều hay nhậu ít, nhưng đúng là tôi đang uống khá thường xuyên. Thói quen này đã hình thành từ cách đây nhiều năm rồi, khi còn mang can nhựa đi xếp hàng mua bia hơi Sài Gòn hồi còn khó khăn.
Thời thanh niên, tôi có thể vui hết 10 lít hay cả thùng bia lon cho một trận nhậu. Bây giờ đứng tuổi, tôi chỉ khề khà khoảng 10 chai với bạn bè. Anh em hiểu nhau vẫn quý mến tôi. Họ nói: “Sếp chơi hết mình, thiệt tình”.
Nâng ly vì công việc có, nhưng chủ yếu vẫn là cụng ly với anh em chiến hữu thôi. Tuần ít thì ngồi 2-3 lần. Tuần nào khỏe, gặp dịp này nọ thì ngồi 5-6 lần.
Thi thoảng đi công tác xa cũng nhớ anh em, quán xá quen thuộc, và có lẽ cũng có phần nhớ ly nữa. Hồi còn là nhân viên, tôi cũng hay kiếm cơ hội uống với lãnh đạo, nên hiểu anh em cấp dưới bây giờ cũng thế thôi. Vấn đề là mình cầm cân nảy mực cho đàng hoàng, đừng vị lợi.
Sức khỏe à? Thì cũng lo. Mình cũng còn cha mẹ, vợ con để phải quan tâm. Nhưng tôi nghĩ nghiện rượu mới sợ, chứ bia bọt không đến nỗi. Tôi nhậu hơn 20 năm rồi, sức khỏe vẫn có gì nghiêm trọng đâu.
Thật lòng, đi làm ăn thời nay mà không bia bọt thì khó lắm. Đối tác không thích, cơ hội không có, anh em cũng không hiểu mình. Đội nhậu ruột trong công ty tôi đều là anh em hết. Chúng tôi tự đưa ra thời khóa biểu mỗi tháng phải ngồi vui cùng nhau ít nhất vài lần. Mình hiểu họ. Họ quý mình, gần mình. Hại thì chắc chút chút nhưng lợi cũng nhiều chứ.
* Ông Nguyễn Trần Duy (cán bộ văn phòng, Hà Nội):
Phần đông xã hội đều đang như vậy
Nói rượu bia vô độ dẫn đến bệnh tật, nguy hiểm thì rõ rồi, chẳng có gì để bàn. Nhưng nếu không uống thì thế nào? Xin thưa, có lẽ tôi sẽ rất khó làm việc được. Mà ai cũng vậy thôi. Sếp có quý mình, quan tâm mình mới rủ ngồi chung. Nếu sếp không rủ, mình cũng phải biết điều, biết quan hệ cho tử tế.
Mình không nhậu nhẹt, đứng tách rời ra, làm sao có quan hệ, có sự cảm thông, cơ hội. Người ta có thể nói nịnh nọt sếp. Mặc họ. Tôi chỉ nghĩ là cơ hội gần gũi, hiểu nhau hơn. Vậy thì nói ai đúng, ai sai đây?
Thật sự, cơ quan tôi có một số anh em học ở nước ngoài về, không quen nâng ly kiểu này đều dần dần tự ra đi hoặc phải ra đi. Người ta có thể chê này trách nọ. Còn sếp tôi chỉ nói rằng mấy anh này không biết sống, kiêu ngạo, chẳng biết trên dưới. Tự họ đưa mình ra ngoài hàng ngũ chứ có ai đào thải họ?
Rõ là nhậu nhẹt cũng tốn kém. Nhưng tốn một có khi lại được ba, được mười. Không chịu đầu tư hôm nay làm sao có được tương lai. Vợ tôi lúc đầu cũng tiếc của, nhưng bây giờ chỉ cười trừ. Cả hai đều hiểu với nhau biết sống thì mới có cơ hội. Mà điều ấy có gì phải xấu hổ? Phần đông xã hội đều đang như vậy. Mình tử tế với người ta thì người ta tử tế với mình. Thế thôi.
Không ai bị xử phạt
Các quy định về thuế rượu bia, cấm rượu bia trong bữa trưa, cấm cán bộ công chức uống rượu bia trong giờ hành chính... trước đây đều đã có, không phải đến Chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia (vừa được Thủ tướng ký ban hành hôm 12-2 - PV) mới có. Nhưng tôi vẫn cho rằng công tác thực thi, triển khai đang có vấn đề.
Cứ đi công tác các tỉnh thì miền núi, vùng xa là thấy rượu từ bữa sáng, “tửu bất khả ép” mà nước mình văn hóa mời rượu là văn hóa “ép”.
Nhiều khi đi công tác, cán bộ xã 15g chiều mới có mặt mà miệng vẫn ngậm tăm, mặt đỏ bừng thì hiệu quả công việc sẽ ra sao? Ở thành phố thì khắp nơi có bãi bia, rất nhiều ông trong đó là cán bộ công chức mà cũng đã có ai bị xử phạt gì đâu.
Tôi cho rằng muốn thực hiện tốt việc kiểm soát tác hại rượu bia thì phải xâu chuỗi các quy định đã có, phối hợp liên ngành và quan trọng nhất là vai trò của thủ trưởng từng cơ quan, của chủ tịch UBND các cấp, là ý thức tuân thủ pháp luật và giữ gìn sức khỏe của từng công dân.
Tửu lượng người châu Á kém xa so với người phương Tây, nên những ảnh hưởng của rượu bia như bệnh xơ gan và sau đó là ung thư gan, là rối loạn sức khỏe tâm thần hay tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu đã gia tăng rất nguy hiểm trong thời gian gần đây.
Ở Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ đã tính 8% các ca tai nạn giao thông vào bệnh viện này liên quan đến bia rượu. Có Chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, tôi cho là khởi đầu một cuộc vận động để tiến tới có Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia ở VN.
theo Báo Tuoitre
|
Chắc ít bạn biết rằng một môn thể thao mới trong thế vận hội Olympic đó là môn thì uống rượu bia. và môn này do chính người Vn nghĩ ra và truyền bá ra toàn thế giới.
Trả lờiXóaMột người là doanh nhân sẵn máu kinh doanh tính toán chi li ngay: “90 triệu dân mà uống hết 2,9 tỉ lít. Vậy trung bình một người uống hết hơn 32,2 lít mỗi năm. Trừ người già cả, phụ nữ, trẻ em không uống được, có lẽ một dân nhậu đã nốc khoảng 100 lít bia”.
Trả lờiXóaAnh bạn nhà thơ mơ màng: “Nếu người uống mạnh, người uống yếu bù cho nhau, có lẽ dân ta có khoảng 2,9 tỉ cơn say mỗi năm”.
Anh bạn doanh nhân bù thêm sự chi li: “Cứ cho mỗi trận nhậu dài 3 giờ, sau đó say nghỉ khoảng 6 giờ. Lấy thời gian này nhân với 2,9 tỉ lít, vậy mỗi năm dân mình mất sơ sơ khoảng 26,1 tỉ giờ cho các trận nhậu và say. À, mà tính toán này mới chỉ là dành cho bia sản xuất trong nước, còn bia nhập khẩu và khoảng 400 triệu lít rượu dân mình tiêu thụ mỗi năm nữa thì sao?”.
Thật khủng khiếp!
Nhưng đó mới chỉ là tạm tính toán thời gian người Việt lãng phí cho bia bọt. Nếu làm thêm vài phép toán về lượng bia tiêu thụ với lượng tiền bạc phải mua thì hiện trạng này còn kinh khủng hơn nhiều. Như anh doanh nhân tính nếu đổ đồng một lít bia đắt, rẻ bán lẻ trên bàn nhậu hiện nay là 30.000 đồng, thì 2,9 tỉ lít tương đương với dân nhậu phải bỏ ra... 87.000 tỉ đồng!
Đó là chưa ghi sổ đầy đủ còn khoản tiền rất lớn khác phải chi cho thức ăn, dịch vụ. Đặc biệt là chưa hề tính đến số tiền bạc khổng lồ đã mất từ thu nhập trong thời gian làm việc hoặc ảnh hưởng đến công ăn việc làm đã trôi qua vì 2,9 tỉ cơn say này.
Không chỉ Việt kiều, mà người nước ngoài đến VN thường có chung nhận xét về chuyện rượu bia tràn lan ở đất nước này. Quán nhậu lô nhô mời mọc quanh các khách sạn hạng sang, phố du lịch ở trung tâm thành phố. Ra ngoại thành, rượu bia cũng ê hề khắp ngõ ngách.
Về nông thôn nghèo khó tưởng rằng khó kiếm men say, nhưng tình trạng vẫn thế. Chiều tối nhậu nhẹt đã đành, quán xá giờ làm việc cũng đen nghịt người. Thậm chí có những người bạn Việt kiều lâu ngày về quê hương đã bật ra những nhận xét dí dỏm: người mình thật khó cười mà cũng quá dễ cười. Những nụ cười trong công việc, giao tiếp, quan hệ đời sống hằng ngày quá hiếm hoi, nhưng lại luôn rền vang ở bất cứ quán nhậu nào.
Từ xa xưa, lối sống người Việt thể hiện qua lịch sử, văn chương và thi ca luôn thấp thoáng hình bóng tiên tửu, thi tửu lẫn tục tửu.
Những chén rượu quần hùng thề vệ quốc, những ly rượu nghĩa tình trong thơ ca hay say sưa mà đầy triết lý nhân sinh, ngợi ca cái đẹp dưới ngòi bút Nguyễn Công Trứ, Tản Đà, Nguyễn Tuân...
Các tay bút phương Nam như Đoàn Giỏi, Sơn Nam cũng chẳng tiếc lời khen chén rượu trắng, con cá nướng trui nghèo khó miệt bưng biền mà lồng lộng phóng khoáng, hào sảng, trọng nghĩa tình.
Nhưng người đời xưa cũng chẳng tiếc lời chê trách các cuộc rượu đầy ắp mưu toan cầu danh, kiếm lợi, ép bạn, hại người...
Thời nay, có người ví von nhậu nhẹt giờ đã thành “dịch”! Vui, buồn: nhậu. Không vui, không buồn: cũng nhậu. Bản thân rượu bia không có tội, đặc biệt khi nó là men say điều độ của nghĩa tình, của ý tưởng, cuộc vui tâm hồn.
Nhưng khi nó chảy tràn vô độ, thành đại dịch nghiện ngập, đó là quốc họa lãng phí và kẻ thù của sức khỏe con người. Đặc biệt, khi nó là “mối dây” không thể thiếu của mưu mô phe cánh, là chất bôi trơn của phi vụ đen tối dưới gầm bàn, là thứ dẫn đường cho kẻ luồn cúi, nịnh nọt thì nó đã trở thành một thứ chất lỏng khác.
Đó là bia rượu độc!
QUỐC VIỆT