728x90 AdSpace

  • Tin NÓNG

    Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

    TRÍ “BÉO”- MỘT THỜI NGANG DỌC-tác giả  facebooker Nam Nguyên
     (TIẾP THEO loạt bài các soái ĐÔNG ÂU-http://www.nguoivietufa.ru/2017/08/cac-soai-o-nga-va-ong-au.html)

    Lời nói đầu: vào ngày “Doanh nhân” này thực khó lựa chọn để viết về ai trong số hàng trăm doanh nhân người Việt mà tôi có dịp được quen biết, rất nhiều người tài ba xuất chúng cũng như khá nhiều cảnh đời vất vả lên bổng xuống trầm với nghiệp kinh doanh, dù rằng đam mê thì ai cũng có và người Việt quá cần cù cũng như tài năng chả kém ai... Thế rồi tôi quyết định post bài viết đã viết cách đây hơn một năm mà chưa đăng bao giờ, bởi vì sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều, nhiều đánh giá thiên vị, nhiều hiểu nhầm về nhân vật, người viết rồi cả một thời tưởng chừng lâu lắm nhưng cũng chưa hề xa, mọi chuyện vẫn như mới xảy ra ngày hôm qua. Những ai biết ít về anh qua bài viết này có lẽ sẽ hiểu hơn về một con người đã từng nghe qua, ai biết về anh có thể còn nhiều hơn tôi nữa thì cũng nhìn lại được cả anh, cả chính bản thân mình, cả một thời ngang dọc quaf bài viết nhỏ này. Còn những ai chưa hề biết anh cũng như chưa hề biết tới một thời khốn khó và hào hùng ấy thì có thể hiểu thêm một giai đoạn lịch sử, một câu chuyện xứng đáng để kể tới khi đề cập về “nghiệp doanh nhân”.
    Những năm 60-80 ở Đông Âu có hàng chục vạn người Việt sang học và lao động. Ngoài nhiệm vụ chính do đó mà họ được cử đi có thể nói là đại đa số chúng tôi thời đó phải thực hiện một nhiệm vụ bức thiết, không hề dễ dàng, có khi chiếm hầu hết tâm trí và thời gian kể cả lấn áp hẳn nhiệm vụ ban đầu kia, thậm chí đôi khi thấm đẫm máu và nước mắt – đó là “cứu nước cứu nhà” - tức là phải giúp đỡ gia đình ở “hậu phương” về mặt kinh tế. Rất ít người không bị cái vòng xoáy “bàn là, nồi hầm, dây may xo” cuốn đi. Nhịn ăn nhịn chơi, buôn một ít hàng từ nhà sang (đồng hồ SK, quần bò King Jo, áo băng đạn, túi trống, vòng ốc...) rồi tăm tia mua hàng (áo bay, thuốc, chậu nhôm, tủ lạnh, vòng bi...) để cuối kỳ đóng thùng hàng biển theo suất gửi về nhà – đó là việc hầu như ai cũng phải làm và muốn làm, trong nước đang thời bao cấp khan hiếm cùng cực! Thời đó “đi buôn” không còn là một từ mang tính khinh miệt nữa, nó trở nên một nhu cấu tất yếu của người Việt ở nước ngoài. Và từ những bước đầu chập chững ấy có những người có tố chất “nhà buôn” bẩm sinh đi được xa hơn rất nhiều, tất nhiên phải có chút may mắn cũng như lòng dũng cảm nữa. “Người người nhà nhà làm kinh tế” cơ mà! Rồi có những cá nhân xuất sắc đã vượt trội hẳn lên trong cộng đồng người Việt, và bài viết này là kể về một con người như thế...
    Sau khu ký túc xá số 5 của các nghiên cứu sinh nơi rất nhiều người Việt sinh sống và việc chủ yếu họ làm là buôn bán, tất nhiên (“Đôm 5” nổi tiếng là đây – chính xác hơn thì sau sẽ được gọi là “Đôm 5 cũ”) có một sân bóng đá bằng kích thước của một sân khúc côn cầu nhỏ, nơi chiều chiều anh em Việt Nam hay xuống đá bóng, rồi kéo nhau ra quán bia hơi gần đấy làm mỗi người mấy vại trước khi về lo bữa cơm chiều. Một chiều hè 1989 cũng như nhiều buổi khác có một chú “cộng” (người Việt – thời đó chúng tôi đã từng gọi nhau như thế đấy!) luôn giành việc trả tiền bia cho anh em, đến khi về “ốp” (ký túc xá) mới giật mình vì bia tây tây rồi nghe loáng thoáng thế nào rút tiền ra trả cho quán hơn 3000 rúp. Quay lại quán để đòi thì mấy đứa “Nga lợn” (người Liên Xô, xin lỗi thời đó chúng tôi hay dùng những ngôn từ mà bây giờ nghe lại có chút xấu hổ, nhưng trong bài viết này xin giữ nguyên vì đó cũng là kỷ niệm một thời chưa xa!) nhìn nhau rồi chối phăng, thấy vụ lùm xùm nhiều chú tây cũng xúm vào hóng chuyện lời ra tiếng vào, chú “cộng” thân cô thế cô chả đòi được nhưng chỉ nhớ được mỗi câu mà khách uống bia tại quán này còn nhắc lại mãi về sau: “Trên đời làm gì có ai trả tiền bữa bia hơi bằng giá một xe ô tô Zaporogiez?”. Cũng tiêng tiếc – số tiền đó đối với người Việt khác có thể đủ đóng một thùng hàng biển gửi về bán đi cả nhà sống được mấy năm đấy – nhưng với anh thì cũng chỉ “muỗi đốt gỗ” thôi. Tên anh là Trí, với cái thời dân “cộng” đa số gầy gò ấy kể cả bên tây thì anh hay được gọi là “Trí béo”.
    Lại một tối khác nhóm anh em “Đôm 5” hay “đánh quả” hàng Ba Lan về rồi gom vàng, “xanh” (USD) để trả tiền hàng, theo lệ thường hay tụ tập mấy nhà hàng ăn chơi hồi đó, mà gần “ốp” nhất là restaurant “Hà Nội”. Có ông bạn dẫn ông bạn khác nữa – dân lấy vợ tây ở lại, thời đó gọi là “lưu vong” – đến uống rượu, ông “cộng” vợ tây thấy anh em nghiên cứu sinh mới trong nước sang tiêu tiền như rác đâm rượu uống mất cả tự tin. Trí “béo” mới hỏi động viên xem ông “kiều” này mỗi tháng kiếm được bao nhiêu? Chắc chả được thế đâu nhưng ông bạn vợ tây cũng nói bừa là mỗi tháng được 5 “vé”, Trí “béo” càng lạ hơn nữa, mắt anh đã trố còn trố hơn thường lệ, bảo “sao mà ít thế, tôi làm vứt đi cũng kiếm mỗi ngày 30 vé?”. Sau này anh bạn “kiều” đó còn kể đi kể lại nhiều lần về khoảng khắc “choáng toàn tập” này của cuộc đời mình...
    Thực ra có lẽ cuộc đời dành cho anh con đường học hành hay làm chính trị thì mới đúng. Họ nội là họ Phạm nổi tiếng, người bố anh đã là Chánh văn phòng đầu tiên của Bộ Quốc phòng nhưng rồi xin ra quân, đạp xe từ chiến khu về quê để tìm và lấy được vợ - sau này ông trở thành luật gia hàng đầu của miền Bắc. Bà mẹ còn dõng dõi hơn nữa, mang họ Hồ (cụ Hồ Đắc Điềm) nhưng cũng là con cháu họ Hoàng (cụ Hoàng Trọng Phu). Gia đình trí thức này có Trí là út ngoài ra còn một anh ba chị gái nữa đều giỏi về khoa học tự nhiên (3 lý, 1 hóa) và khá được nhiều người biết đến bởi khát vọng kinh doanh. Tết năm 1963 bác Hồ đến chúc Tết cụ Điềm và toàn gia, có bế Trí lên lòng và bảo “Lớn nhanh còn học giỏi để làm việc thay các bác!”. Trí lớn nhanh và học giỏi thật, cậu bé không phải chăm chỉ lắm nhưng luôn trong tốp đầu của lớp chuyên toán A0 đại học tổng hợp. Thi miền bắc cậu được giải nhất, nhưng đến khi thi chọn đội tuyển toán quốc tế thì “học tài thi phận”- chọn 8 người thì Trí đứng thứ 9, ngồi nhà chờ tin cô bạn cùng lớp Thiều Hoa được giải nhì là thành tích cao nhất năm đó của đoàn ta. Không được thi quốc tế, mà nhà thì nhiều người “đi tây” học rồi, hết tiêu chuẩn, Trí ngậm ngùi tiễn các bạn sang Đông Âu học, còn mình thì ở lại trong nước...
    Với sức học của anh thì vừa học vừa chơi cũng sẽ được giữ lại trường, tất nhiên Trí được hiệu trưởng Đào Trọng Thi giữ lại làm giảng viên khoa Toán. Nhưng ngay từ khi còn trên ghế sinh viên Trí đã phát hiện ra đam mê thực sự của mình: “đánh quả”. Anh tập tọe buôn bán nhưng khá mát tay, thôi thì đủ cả: tem phiếu, “xanh”, hàng “mậu dịch quốc tế”, hàng Intershop, đồ cổ... cái gì cũng lao vào và anh giàu lên nhanh chóng, thừa tiền cưới vợ - cô vợ cùng năm cũng lại có cả nhà làm nghề “toán”. Bản tính quảng giao nên Trí đi đâu cũng có người quen, khá dễ nhờ vả người khác trong công việc và cũng rất sẵn sàng giúp lại anh em. Chính Trí là người nghĩ ra trò “đi dự hội thảo” – tức là không há miệng chờ sung cho đến khi nào nhà nước phân công đi nước ngoài nữa, mà chủ động tìm kiếm cơ hội, xin được suất đi dự các hội thảo khoa học quốc tế rồi mới xin đơn vị chủ quản cho đi xuất ngoại – tất nhiên là tự túc rồi nhưng có đi “tây” thế mới có điều kiện “đánh quả” chứ! Trí bày cho rất nhiều người đi được bằng cách đó, còn bản thân anh tuy học trong nước nhưng đã đi vung vít khắp nơi, qua cả Liên Xô đi dự hội thảo mà không biết rằng đó là nơi sau này cả nước phải biết tới anh...
    Năm 1988 ông bố vợ Trí “béo” được xuất đi Liên Xô, anh xin được cho vợ suất đi nghiên cứu sinh về toán (tất nhiên rồi!) còn mình một suất thực tập sinh về toán, thế là cả nhà hội ngộ tại block số 407 ở ngôi ký túc xá huyền thoại “Đôm 5” ấy! Chuyến đi ấy Trí phải nhớ ơn chị C. – phu nhân của một nhà lãnh đạo tương lai, không có chị giúp cho thì có lẽ chả có chuyện cả nhà “đi tây” mà lại đi cùng một thành phố, một lúc như thế. Tiếng tăm còn kém, chân ướt chân ráo mới sang tuy ở nhà đã được tiếng là kẻ có tiền mà sang đến “Mát” (Moscow) Trí “béo” cũng bị một cú “choáng nhẹ” chả khác gì anh bạn “lưu vong vợ tây” kể trên. Trước kia đi Đông Âu mấy lần Trí “béo” có quen với một ông anh là “soái” bên ấy – sau này ông anh cũng trở thành chính trị gia có tiếng đấy. Ông anh than thở rằng đánh hàng sang Liên Xô lãi thì quá lãi nhưng tiền nhiều quá, chả biết mang về thế nào, nhờ thằng em sang đấy thì tìm cách chuyển về hộ. Khi Trí đến gặp “đại diện” của ông anh kia ở Liên Xô là một ông thương vụ, thì ông ấy lật cái đivăng lên, ở dưới đầy những cọc tiền rúp! Tính nhẩm rất nhanh, chưa bao giờ Trí “béo” thấy một số lượng tiền mặt lớn đến thế, và cho đến bây giờ anh vẫn nhớ như in là lúc đó đã lẩm bẩm tự hứa trong đời sẽ có lúc mình cũng phải có bằng được nhiều tiền như vậy... Chỉ không thể ngờ là ba, bốn tháng sau ước nguyện này đã thành hiện thực ngay rồi!
    “Không mua được xanh!” – ông thương vụ phân trần, chịu! Nào có biết thị trường “xanh, đỏ” ở “Mát” thế nào đâu nhưng với bản tính từ nhà đã là “chuyên gia chập mạch” Trí bảo cứ để đó mình lo tất cả cho. Số là Trí “béo” được ông anh họ mới về nước giới thiệu cho người bạn cùng năm Th “còm” – “lưu vong” lên “Mát” sống bằng chính nghề đổi “xanh” này (mà dân “thương vụ” hay “sứ” (sứ quán) thường ngại qua lại với dân “lưu vong” sợ mang tiếng!). Thế nào lại mát tay, với sự tham gia của Th “còm” Trí “béo” giải quyết cả đống tiền rúp ấy trong thời gian ngắn. Ông anh “soái” Ba Lan thấy thằng em mới sang Liên Xô mà nhanh nhẹn quá thì đồng ý ngay cho Trí trở thành “đầu” bên Liên Xô, và “bơm” tiền cho để làm ăn. (Q. Và Th “còm” đều đã về Việt Nam và khá thành danh trong ngành tin học).
    Phải nói thời đó nhiều tiền nhất là người Việt ở Ba Lan, rồi Đông Đức, Hung, sau nữa mới đến Liên Xô – thế nhưng thị trường thì rõ ràng Liên Xô là rộng lớn nhất rồi! Lúc đó ít ai có lượng tiền mặt trong tay nhiều như Trí “béo” ở Liên Xô, anh lại còn được nhều đối tác đưa hàng cho bán chịu thu tiền sau, thế nên tiềm lực của Trí “béo” mạnh lắm, là một trong vài đầu mối hàng Ba Lan đưa sang CCCP và cũng là đầu mối của hàng Việt Nam đưa sang “Mát” với những quan hệ sẵn có của mình lại thêm bây giờ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” nữa. Mỗi chuyến chuyên cơ sang “Mát” là giá cả hàng hóa ở đây nhảy nhót như thị trường chứng khoán bây giờ! Vốn đã có sẵn quan hệ từ trong nước, nay “soái” Trí “béo” dễ dàng quan hệ rất tốt với Đại sứ quán ở “Mát” vốn đã nhiều đời nay là chốn đi về của các đoàn trong nước sang, rồi các ưu đãi ngoại giao khá đặc biệt vào cái thời xã hội chủ nghĩa đó. Việc “mua” “thẻ xanh”, “thẻ đỏ” để vận chuyển hàng-tiền trong khố Đông Âu anh em “cộng” đã làm trước anh lâu rồi, nhưng có lẽ trước anh và sau này không một ai có thể tổ chức hoàn hảo và hoành tráng như Trí “béo”, anh thường khoe “Tôi chính là Sứ quán chứ ai” – quả là những việc đối với người khác khó tày đình như ra hạn hay đổi hộ chiếu, lấy vé, lấy thị thực về nước, đăng ký kết hôn... anh làm và đa số là để giúp người quen thậm chí cả người không quen đâu, chỉ “hết nửa giây”! Block (căn hộ 2 buồng) 407 nổi tiếng ở “Đôm 5” khách khứa người Việt ra vào nườm nượp tối ngày, lấy hàng, đổi xanh, bán vàng... Vàng trang sức của Nga được mua đổ đồng rồi từ những loại 375, 585, 750... được các “viện sĩ” đánh thuê nhà ta phân kim ra cho tinh gọn, để bán lại cho những người như Trí “béo” tổ chức đưa sang Ba Lan để trả tiền hàng, lúc nào trong nhà anh cũng có ít thì vài kg. Có hôm nhìn qua lỗ nhòm ở cửa block anh thấy có thằng tây mặc quần áo công an gõ cửa ầm ầm, hoảng quá anh vứa cả cục vàng mấy kg qua cửa sổ xuống dưới sân, cứ tưởng công an khám nhà! Sau mới biết là tây nhầm phòng, định lò dò xuống tìm lại cục vàng thì thấy có chú em quen cầm lên cho, cũng may là trời đang mùa đông tuyết phủ nên ít ai để ý. Chú em này sau cũng trở thành một doanh nghiệp hàng đầu về “vé máy bay” cho người Việt tại Nga còn Trí “béo” biết sợ, nhiều vàng quá thì sang gửi bớt nhà thằng em bên “khối SEV” cũng cách đó chỉ mấy bước chân...
    Với một khả năng tổ chức khá kỳ lạ, cũng có thể gọi là tuyệt vời Trí “béo” đã tổ chức một “đội du kích đường sắt” vô tiền khoáng hậu, đi lại như mắc cửi giữa Ba Lan và Belarus, Nga về tới Moscow bằng tàu hỏa. Mùa đông cũng như mùa hè khi đi (tức là đi Ba Lan) họ mang theo “đỏ” – tức là vàng, có thể cả “xanh” nữa, mang sang để trả tiền hàng, khi về thì khuân theo máy tính AT, XT, 286, 386, mini, máy in, màn hình Vega, joysticks... đều là những hàng bán chạy như tôm tươi ở Nga thời bấy giờ. Hồi đó ai có hộ chiếu công vụ thì được đi lại tương đối tự do giữa các nước XHCN với nhau, và thế là “đội du kích đường sắt” của Trí “béo” có hàm lượng trí thức có lẽ cao nhất thế giới: thành phần “cửu vạn” này bét nhất cũng đang làm nghiên cứu sinh khoa học ở Liên Xô, còn không thì giáo sư, tiến sỹ, viện sỹ, quan chức cấp cao... thôi thì chả thiếu thành phần nào! Cứ lên tàu đi là đã biết sẽ được Trí "béo" trả cho bao nhiêu khi về, còn hàng hóa, đưa đón thế nào có người lo hết. Người ta đã đi “chạy quả” thế này từ trước khi anh Trí sang Liên Xô, nhưng chỉ đến khi anh thiết lập “dây” này thì việc hàng hóa thông thương giữa các nước mới được đưa lên tầm cao mới!
    Liên Xô đang thời kỳ “perestroika” – dân tuy khổ vì lạm phát, khan hiếm hàng hóa chả khác gì Việt Nam là mấy – càng là thời điểm bung ra để làm ăn. Boris Berezovskiy – “bố già ở điện Kremlin” sau này – đang lọ mọ lập những cái “kooperativ” (kiểu hợp tác xã nhà mình) đầu tiên, tập tọe đi buôn máy tính. Roman Abramovich mới tốt nghiệp đại học, dò dẫm đi buôn đồ chơi trẻ em và sau này nghe lời mấy chú “cộng” đi “đánh quả” Nicken cũng có đồng ra đồng vào, nhưng làm sao so được với các “địa chủ” người Việt lúc này. Đây chính là lúc Trí “béo” thể hiện kỹ năng kinh doanh của mình rõ nét nhất: trong khi “cộng” đa số còn mải lo mua hàng về nước, buôn bán đồng hồ nhạc, áo cành mai... thì Trí “béo” đã lập công ty xuất nhập khẩu đầu tiên của người Việt ở Liên Xô, mà có lẽ cũng là công ty đầu tiên của người ngoại quốc tại đây chưa biết chừng (từ 1990, còn đến 1991 thì CCCP tan rã rồi!). Chả hiểu đã biết về Incoterm từ trong nước hay được sự giúp đỡ rất thạo việc của hai nhân viên “cứng” là vợ chồng cô bạn Thiều Hoa năm nào với người chồng Nga nhưng ngoài công ty đó ra đối với tuyệt đại đa số người Việt ở Liên Xô thì khái niệm xuất nhập khẩu chính thống thời đó là một số không tròn trịa... Trí “béo” cũng tuyển được một chàng sinh viên giao thông người Hà Nội mới tốt nghiệp vào làm, không ngờ cậu chàng này nắm bắt khá nhanh và rất sáng tạo trong công việc – không ngẫu nhiên mà ngày nay cậu ta là chuyên gia đầu ngành về giáo dục STEM cho trẻ em ở Việt Nam. Cái thời ấy dã man và ấn tượng nhất là cảnh người Việt chen chúc ở sân bay Sheremetievo để về nước, bị cảnh sát Nga vụt thẳng tay, bị “bộ đội” (bọn lưu manh) người Việt cướp, trấn đồ, bị lỡ chuyến... hình ảnh mà nhiều người Việt Nam còn ghi nhớ dai dẳng cho đến tận bây giờ. Thì lúc đó Trí “béo” là “vua” của sân bay, mỗi ngày anh lần lượt thuê một trong hai nhân viên của “sứ” ra đấy phụ trách việc đưa hàng về Việt Nam cho mình. Lúc đó ai có thẻ ngoại giao là “bất khả xâm phạm” nên cứ có đoàn nào có "thẻ” về nước là anh tổ chức tiễn chu đáo, vừa gửi hàng cho họ vừa gửi kèm hàng của anh về nước. Không phải bọn “Nga ngố” (lại một từ không đẹp nhưng gọi thế là nhẹ nhất rồi đấy, ôi cái thời chưa xa ấy!) không biết và để yên cho anh đâu, mà đã có những hôm chúng rình và định “đánh úp” những lô hàng giá trị nhất của anh, nhưng linh tính thế nào mấy lần anh đi cùng ra sân bay và phát hiện được trước âm mưu đó nên lẳng lặng quay hàng về để chờ chuyến khác đi. Còn việc dùng xe “biển đỏ” có tư cách ngoại giao Việt Nam chạy loạn khắp cả thành phố “Mát” cũng là do Trí “béo” đầu têu rồi anh em “cộng” cũng ào ào làm theo, nhiều đời đại sứ sau mới thu hồi lại hết được.
    Và thế là Trí “béo” chỉ cần nghĩ ra việc là sẽ có đội ngũ thực hiện được ngay, tuy là khá “mỏng”. Còn nghĩ ra việc thì đúng là “nghề của chàng” rồi! 1991-1992 anh là người nghĩ ra cách đánh “áo gió” sang Viễn Đông rồi chuyển lên “Mát” – biết bao người thấy thế làm theo rồi “chết như phim”. Áo gió được chở tàu biển sang Vladivosstok – Viễn Đông thời đó mới hết là khu cấm dành cho quân sự. Anh cho thuê IL-76 chở áo gió bay về “Mát”, mỗi “con máy bay” bằng 5 container hàng biển, chở thế thì hàng về đích đầu tiên, có ai mà cạnh tranh kịp. “Đánh hàng” công nghiệp anh thuê máy bay chuyến chở lốp, chở động cơ về HCM, có lúc bên kiểm soát không lưu còn chả cho hạ cánh... Bay sang thì hầu như cứ máy bay rỗng, bạn bè quen ai thích gửi gì thì gửi, có anh nhiếp ảnh gia chỉ gửi ké giấy ảnh sang Nga mà cũng “nên người” rồi. Tất cả những “chiêu” này anh chả giấu, đều bị “cộng” bắt chước làm đúng như hệt thế để cạnh tranh với chính anh, Trí “béo” thậm chí quá tự tin mà ai hỏi cũng kể bô bô, có hai vợ chồng trẻ học kinh tế xin đến học hỏi, đôi này không chỉ “hỏi” không mà cầm bút sổ ghi chép lia lịa. Sau này họ kinh doanh phụ tùng ô tô cạnh tranh với chính anh, và bây giờ thì cô vợ trở thành nữ tỷ phú duy nhất của Đông Nam Á... Về hàng biển cũng vậy, Trí “béo” nghĩ ra gì là nhiều anh em khác bắt chước ngay, đến lúc này khá nhiều “đội mạnh” từ trong nước kéo qua Nga và Ucraina tìm hướng làm ăn và ngay anh Trí cũng rủ rất nhiều bạn bè từ thưở buôn bán trong nước sang tìm cơ hội. Trí “béo” thuê “lat” chở lốp ở trên, động cơ và thùng trộn bê tông ở giữa, sắt thép nằm dưới cùng đi về Việt Nam. “Lat” nhỏ đi từ Vladivostok, “lat” to đi từ Odessa và Murmansk (lat chạy bằng năng lượng hạt nhân!!!). Nhiều ông chủ người Việt sau này có đúc kết lại, là công lao lớn nhất của Trí “béo” không phải là làm giàu và kích động cả một thế hệ người Việt ở Nga làm giàu, mà hơn thế nữa “anh đã dạy cho chính người Nga cách giao thương quốc tế!”. Mà người Nga thì học nhanh lắm, sát ván lắm, thế mạnh ngôn ngữ, quan hệ chính quyền, sức lan tỏa... thì rõ ràng là hơn người Việt. Chưa kể bắt đầu lấp ló một số người Trung Quốc – lớp sóng đầu tiên đã đổ bộ đến “Mát”. Cạnh tranh cứ mạnh dần lên, đã có những người Nga trở thành tỷ phú đô la chỉ trong vài năm đó...
    Phải nói “đầu têu” thì ít ai bằng Trí “béo”, anh nghĩ ra trò bỏ Đôm 5, sang bên Khu nhà dành cho cộng tác viên nước ngoài thuộc Viện Hàn lâm ở và sau này chỗ đó trở thành quần thể của rất nhiều gia đình “cộng”. Rủ ông bạn từ Sài Gòn sang mà không thấy ở đâu có sân tennis để “dợt” thế là anh đi tìm thuê sân của chính quyền – sau này cũng thành phong trào tennis bên Nga. Bao đoàn ca múa nhạc sang biểu diễn cũng là sáng kiến của anh, tất nhiên “soái” có tiềm lực thì mới làm được chứ đâu dễ. Quan hệ với “sứ” vẫn quá tốt, anh cũng bày trò mua xe Mercedes S 400 cho “sứ” chạy từ Đức về, không có chỗ để cắm quốc kỳ thì khoan xe một lỗ đằng trước ra mà hàn cái que vào mà cắm. Trí thuê văn phòng ở Obolenskiy (làm tiệm ăn), Eropkinskiy, Pameransev (tầng dưới Tùy viên quân sự ngồi, tầng trên văn phòng và kho) – toàn những địa điểm của “sứ” có vị trí tốt và nhiều người qua lại. “Đôm 5 mới” ra đời kinh doanh có vẻ cực thuận lợi nhưng anh nhìn thấy hiểm họa từ trước, bởi vì ở đó chỉ cho bán buôn chứ không có bán lẻ, anh “ngửi” thấy nguy cơ và sau này họ nhà vợ sang đến 20 người để buôn bán, có thuê chỗ ở đấy ai cũng được anh dặn chỉ “cuốn chiếu”, không được ôm nhiều hàng. Anh là một trong số ít các ông chủ to không bị ảnh hưởng của vụ “Đôm 5” chấn động, ảnh hưởng tàn khốc lan tỏa khắp Đông Âu và về tới cả Việt Nam...
    Kinh doanh cũng có lúc khó khăn, người ta hay tìm tới tâm linh, nhưng Trí “béo” cái đó không hiểu lắm, không phải giản đơn như toán, và anh làm cũng theo kiểu của mình, khác người nhưng có lẽ thế cũng là “ẩu”. Như nghe chiến hữu ở nhà nói đã kinh doanh phải dâng mâm cao cỗ đầy lên Bà Chúa Kho để vay tiền anh cũng ở bên kia chỉ đạo ở nhà làm 10 mâm dâng lên Chúa (kỷ lục thời đấy đấy!), nhưng anh thì cứ ở biền biệt bên Nga nào có về và có nhớ tạ lễ Bà Chúa Kho đâu. Thế rồi nghe lính tráng ở nhà gọi sang bảo cần giải đen xin cho mua một con chó đen tuyền làm lễ, thế là duyệt chi! Lính tráng ở nhà được bữa chén no say, sau này anh về Việt Nam mới hỏi ra là đi tìm con chó đen tuyền không ra lính tráng của anh kiếm tạm con chó không đen tuyền đâu, mà vẫn có những vệt màu khác, về đánh chén tưng bừng... Trong những doanh nhân sang Nga qua anh để tìm cơ hội thì Tăng Minh Phụng là người anh Trí thấy ấn tượng nhất. Chỉ đánh một lần hàng sang Nga rồi sang nhận thanh toán để biết thị trường Nga Tăng Minh Phụng không dấu diếm, đã kể với Trí “béo” là BĐS ở nhà mới là siêu lợi nhuận, và rủ Trí “béo” gom tiền về để làm chung. Ít thấy ai có cùng đam mê kinh doanh cháy bỏng như ở ông bạn này nhưng linh cảm đã cứu anh bao lần trong kinh doanh lần này cũng đã không để anh bị cuốn vào vòng xoáy đó...
    Nguy cơ đến với anh lại từ một chỗ khá bất ngờ hơn: thắng lợi từ Đấu thầu kinh doanh xe máy tại sứ quán “Mát”, đối thủ với anh là Công (anh em Thành&Công của “Merfimex” cũng là công ty trong nước sang từ 88) – người sau này thành lập nên VietJet Air. Một cuộc đấu thầu công khai, nảy lửa ngay tại sứ quán xem chọn đối tác nào vì cả hai đều “mạnh” và đều có “dây” rất nhiều kể cả trong nước. Ngay cán bộ “sứ” cũng chia ra làm hai phe, mỗi phe ủng hộ một bên, cuối cùng Trí “béo” thắng sít sao. Còn nội dung cuộc đấu thầu ấy đại ý như sau: doanh nghiệp nào sẽ được đứng ra cung cấp xe máy “Cub” cho những người học tập hay lao động tại Nga! Phải nhớ lại rằng những năm 80, đầu 90 thì xe máy Nhật kể cả hàng bãi rác là mơ ước của hầu hết các gia đình Việt Nam, chuyện một chiếc xe máy vào thời đói khổ ấy đắt hơn cả một căn hộ, ngôi nhà là chuyện bình thường. Xe máy được nhập khẩu nhỏ giọt bởi những thủy thủ “Vosco”, những người đi công tác sang “tư bản”, sau này đa phần là do những người đi làm chuyên gia ở Algeri, Angola... phải có “suất” mới được mang về chứ không phải chỉ có tiền mà xong đâu. Trí “béo” muốn thực hiện một kế hoạch, sao cho dân “cộng” nào ở Nga, hay ở châu Âu nói chung cứ có tiền thì sẽ mua được xe “Cub” rồi mang về nhà, hay đúng hơn là xe “Cub” sẽ được chở thẳng về Việt Nam giao cho người có tiền, còn ai muốn nhận tiền tương đương xe máy thì sẽ nhận tiền đó ở Việt Nam. Muốn thế cần phải nộp tiền trước và được “sứ” chứng nhận là có suất nhập xe về, còn ai có điều kiện nhưng không mua xe thì có thể nhượng lại “suất” cho người khác, đại ý là thế. Khỏi nói bà con ta hăm hở như thế nào bởi vì như vậy có thể rút ngắn hẳn công đoạn từ trước tới nay (mua đồ - đóng hàng về nước – nhận hàng – bán hàng – mua xe). Tiền cứ thế đổ về văn phòng của anh bên “Mát”, anh lo đi tìm mối hàng ở Nhật, ở Sing, còn căn nhà 72 Nguyễn Du huyền thoại mà Bác đến thăm Tết năm nào thành nơi trả hàng, trả tiền cho bà con mà khách hàng bên kia chỉ định. Mỗi ngày phát ra hai ba chục xe “cub”, có người chỉ do gia đình anh cho làm đại lý xe máy (cầm xe máy mang đi bán không phải bỏ tiền trước để mua) mà trở nên giàu có, còn cửa hàng vàng bạc Quốc Trinh trở nên nổi tiếng từ ngày ấy cũng nhờ vào làm dịch vụ cho Trí “béo”. Tưởng chừng cứ thế mãi thì nhanh giàu lắm...
    Năm 1994 chính phủ ra luật cấm không cho những loại xe máy cũ được nhập về Việt Nam nữa, khi đó anh đang có mấy nghìn chiếc đã đặt mua, mấy nghìn chiếc còn đang lênh đênh trên biển. Người đứng đầu chính phủ chính là phu quân của chị C. – chỗ rất thân tình và đã giúp cho Trí “đi tây” cùng với vợ năm xưa. Phải nói rằng gia đình anh và chỗ anh chị C. rất quen thân, thậm chí nhiều người trong xã hội đã vì nhờ Trí “béo” nói giúp mà lên đến chức thượng thư... thế nhưng trớ trêu thay (hay là may thay – may cho dân cho nước?) đến đúng việc của mình thì Trí “gãy cầu” – dù có tác động thế nào đi nữa thì người chồng vẫn cương quyết “pháp bất vị thân”! Có lẽ chỉ một thư tay hay có khi chỉ một cuộc điện thoại của vị lãnh đạo này cho bên hải quan là Trí đã “thoát” – nhưng không hề, Trí “béo” gặp một thử thách có lẽ lớn nhất trong đời! Anh đã nhận nhiều triệu đô từ hàng nghìn người Việt, bây giờ không giao được hàng cho họ, giải quyết sao đây? Cả bên Nga cả Hà Nội đồn ầm lên là Trí “béo” sập tiệm rồi, trốn nợ rồi, hết thời rồi... Mà quả là gay go thật, chỉ còn cách thu vén vốn liếng đang rải khắp nơi trong hàng hóa, thu hồi công nợ dần dần, khắc phục dần... Năm 1996 khi con trai anh bước vào cấp 2, tình hình bên Nga cũng có nhiều thay đổi đến chóng mặt anh quyết định đưa cả gia đình về nước. Thế là chỉ sau 8 năm xa xứ anh đã kịp trèo lên đỉnh cao của tiền tài, của danh vọng và ảnh hưởng rồi tụt xuống một cách bất ngờ nhất, tưởng như không gì cưỡng lại được! Anh có nhiều biểu hiện suy sụp, thậm chí gia đình đã lo đến cái kết cục xấu nhất có thể....
    Nếu những năm ấy các bạn có dừng ở đèn đỏ thấy bên cạnh có một ông to béo ngồi xe máy, có lẽ ít ai nghĩ đó là Trí “béo” – người mà từ nhiều năm trước ở “Mát” đã đi Mercedes có lái xe riêng; có thể nhiều người còn chưa gặp bao giờ nhưng nếu đã bước chân sang Nga thì cái tên này chắc chắn có nghe qua. Đa phần bạn bè ngoảnh mặt quay lưng (cũng phải thôi, ai chả nghĩ “cái lúc nó làm vua thì có thấy nhớ đến mình bao giờ đâu?”), vài người chìa tay ra giúp đỡ bằng công việc thì rồi cũng không đi đến đâu vì bản tính của anh là quen tự quyết, tự hành động (và hành động rất nhanh!). Anh thanh lý dần cái đống máy nghiền sàng đá đã thu gom bên kia bán kiếm tiền trả nợ - hồi đó Hòa Phát vẫn còn manh nha là một số anh em cũng đang tìm mặt hàng này từ bên Liên Xô cũ về và họ có nghề để sửa sang lại, sau mới tự sản xuất. Trí “béo” rồi cũng dần dần chia tay những tài sản mà anh có, anh rất giỏi kiếm tiền nhưng phong cách quản lý thì phải nó là khá “bảo thủ” – chẳng bao giờ có lấy một quyển sổ ghi chép gì, mà mọi thứ đều nhớ trong đầu!
    Âm thầm thế rồi anh cũng trả hết mọi khoản nợ với khách hàng, nhưng làm gì với số vốn ít ỏi bây giờ? Tất nhiên ai chứ Trí “béo” thì không bao giờ chịu “nghèo” rồi! Anh nghĩ ngay là nhà mình có thế mạnh trí thức, mà cái việc giáo dục có vẻ không cần đầu tư nhiều vốn, thế là từ 2001 anh bắt đầu “sự nghiệp giáo dục” – anh chỉ tổ chức dạy những cái thiết yếu, ai cũng cần mà là phải cần cái chứng chỉ, để đi xin việc, đi làm công chức chẳng hạn. Thế là anh tổ chức dạy và cấp chứng chỉ tiếng Anh, tin học - vốn không đơn giản để xin được cái quyền “cấp” này – khởi đầu anh xin bằng mọi cách chả được nhưng rồi có anh K. người quen được anh từng giúp đỡ từ bên Nga giúp cho có chứng chỉ của ĐH KHTN HCM. Lúc đầu tuyển sinh chỉ được 200, sau 5 năm tăng lên 6000 học sinh. Cho đến tận bây giờ anh vẫn duy trì mảng “giáo dục” này, trong đó có Đại học Hòa Bình tại Lương Sơn (cùng với Thảo “Vietjet”- cô gái cùng chồng chăm chỉ nghe và ghi chép lời anh năm nào nay đã trở thành cổ đông cùng với anh). Vẫn thấy chưa tiêu hết “năng lượng” và thỏa chí kinh doanh của mình anh Trí “béo” làm thêm đủ thứ nghề: phần mềm, môi trường, du lịch khách sạn, M/A, môi giới tư vấn đầu tư, sự kiện, golf... và nghề nào anh nắm bắt cũng rất nhanh, làm rất quyết liệt và thành công, nhưng anh hay “chán” và thấy có cơ hội khác anh sẵn sàng bỏ business hiện tại mà thử thách mình với cái mới. 2004-2010 anh nhập màn hình phẳng, thuê Viettronics Đống Đa, Tân Bình lắp tivi CRT bán tốt. Nhưng sau phải cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp SAM (của một ông em gốc Nghệ An đã nhập hàng trăm container linh kiện về, sẵn sàng bán phá giá) nên anh lại thôi. Có lẽ công việc anh mong chờ vẫn còn ở phía trước...
    Ngồi với anh trong văn phòng nơi treo những bức ảnh bác Hồ bế anh hồi bé tôi với anh ôn lại chuyện xưa, những năm ở Nga giờ cảm giác như một thoáng mơ. Anh không tỏ ra nuối tiếc những năm tháng “huy hoàng” bên đó lắm, mặc dầu anh vẫn khẳng định lại chính Trí “béo” là người dạy cả dân “cộng” cả dân Nga cách làm ăn lớn, cách thức thương mại quốc tế. Tất nhiên “giàu tại số” rồi nhưng tôi cũng thử phân tích cùng với anh xem tại sao xuất phát điểm của anh tốt hơn hết tất thảy những “đại gia” bây giờ (từ “đại gia” chỉ trở nên dùng nhiều sau khi anh đã “ngã ngựa” rồi, nên có lẽ anh là “đại gia” mà chưa bao giờ được gọi là “đại gia” đấy!): Vượng, Vỹ, Dũng, Thảo, Hùng, Lam, Tuấn... Anh cũng không giữ được tiền như các anh Dũng “tăm”, Thành-Công “Th.”... Rồi anh làm xuất nhập khẩu thạo và có quan hệ sứ quán tốt đến thế mà không triển khai được dịch vụ vận tải-hải quan như các chú em Chi-Liêu, Sơn “Eurowindow”... Cũng đánh hàng thực phẩm Việt Nam sang đầu tiên nhưng không duy trì được như Masan đi sau... Nói chung là các cơ hội đến với anh rất nhiều, anh cũng tạo dựng ra được rất nhiều bài chơi lớn, nhưng cuối cùng không “ghi bàn” được. Tôi rụt rè nhận định rằng có lẽ anh rất quyết đoán nhưng không có tài tổ chức cho lắm, không tạo dựng được một team mạnh như hội trẻ. Anh lúc nào cũng có “tả phù, hữu bật” nên ỷ lại, không thật tinh thông tiếng Nga, và tuy ở Nga nhưng anh là “soái” sống giữa cộng đồng đa số là dân “cộng” thế nên có thể cảm nhận của anh về xã hội Nga không thể sâu sắc được như hội đàn em đi lên chập chững từ lưu học sinh kia. Và ngay cả việc làm giàu là cái đam mê của anh, có thể anh cũng cháy bỏng như họ, nhưng anh không có một động lực thực sự, một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa những người cùng lứa như tôi đã phân tích trong xê ri “Những Nga kiều thầm lặng” chăng? Họ tranh đua với nhau quyết liệt, trên mọi mặt trận, thường xuyên liên tục đến nay đã ba chục năm, còn anh thiếu nhất cái mà họ có thừa: đối thủ!
    Anh Trí vẫn giữ một phong cách thẳng tưng, nghĩ rất nhanh và cũng vẫn rất “lợi khẩu” như những năm xưa. Anh bảo đã qua thời gian khổ rồi, bây giờ chả còn mấy ai nhớ đến cái tên Trí “béo” nữa nhưng tất cả bọn “đại gia” ở Việt Nam biết anh, tất cả bọn chơi golf biết anh, đàn em rồi những người trước kia anh từng giúp đỡ nhiều lắm mà anh không biết hết nay làm to lắm rồi, có dịp gặp lại thì họ nhắc anh mới nhớ xuể được. Anh làm chơi chơi như bây giờ mỗi năm cũng được mười lăm hai mươi tỷ, chẳng có nhu cầu gì quá to tát nên để sống vui thì quá đủ. Nhưng anh vẫn canh cánh một điều thôi, là đầu óc như anh “nhìn đâu cũng thấy tiền, ngửi việc gì ra tiền biết ngay” thế, quan hệ thì cả rừng như thế mà sao không thể làm được như anh Minh “Him Lam”, chị Nga “Đồng Mô” là những người anh khâm phục, coi họ là thực tài và tỷ phú thực sự của Việt Nam? Tôi cũng chẳng trả lời được, cũng có thể vì thế mà mãi vẫn chưa muốn post bài này lên để kết thúc cho nó đỡ cụt ngủn. Nhưng thôi vào ngày “Doanh nhân Việt Nam” này tôi xin đăng bài về anh Trí “béo” – một người theo tôi là điển hình nhất cho chân dung và số phận lứa doanh nhân thời mở cửa, mỗi người vất vả tìm cho mình một con đường “cứu nước, cứu nhà”. Chúc anh tìm ra được đúng business của mình và với tuổi U60 còn tràn đầy năng lượng này thành công xứng tầm sẽ lại đến với anh, cái mà anh vẫn kiếm tìm suốt bao nhiêu năm nay!
    • Bình Luận trên Blogger
    • Bình Luận trên Facebook

    0 Bình luận.:

    Đăng nhận xét

    Item Reviewed: Rating: 5 Reviewed By: Tolian_hoang
    Scroll to Top